Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Cách biểu diên - Phương Khanh

          Cách biểu diễn, nghệ thuật biểu diễn đờn ca tài tử

Bởi là một dòng nhạc có xuất phát từ cung đình do đó cách biểu diễn đờn ca tài tử khá đặc biệt và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, trình độ thực sự. Tại Việt Nam có 3 loại hình nghệ thuật có xuất xứ từ nhạc cung đình đó là Nhã nhạc Huế, Ca trù và Đờn ca tài tử. Nhưng khác với 2 loại hình Nhã nhạc và Ca trù người hát chính thường là nữ, trong nghệ thuật đờn ca thì nam và nữ có vai trò bình đẳng, người đàn và người hát có vị trí tương đương nhau.
Dàn nhạc của đờn ca tài tử có nhiều nhạc cụ hơn dàn nhạc của Ca trù và ca Huế. Trước đây, dàn nhạc đờn ca tài tử sử dụng các loại nhạc cụ gồm đàn kim, đàn cò, đàn tranh song lang, ống tiêu. Khoảng từ năm 1920, lục huyền cầm ( đàn ghi ta ), hạ uy cầm và violon cũng được thêm vào trong dàn nhạc.
Cũng bởi lý do xuất phát từ cung đình do đó đờn ca xưa kia chủ yếu được biểu diễn trong các tư gia hoặc phục vụ 1 số ít khán giả. Tuy nhiên theo thời gian và sức hấp dẫn của dòng nhạc này mà ngày nay đờn ca đã được sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ công chúng.
Khi biểu diễn nhạc tài tử, các nghệ sĩ thường chú trọng đến sự kết hợp của nhạc cụ có âm sắc khác nhau, ít thấy có sự kết hợp giữa các nhạc cụ cùng âm sắc. Thường thấy nhất là song tấu đàn kim và đàn tranh, là sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt, mà theo các chuyên gia thì được gọi là sắt cầm hảo hiệp. Cũng có khi là tam tấu đàn kim – tranh – cò, kim – tranh – độc huyền, tranh – cò – độc huyền mà giới  chuyên gia gọi là tam chi liên hoàn pháp. Nếu một ban nhạc tài tử có 3 nhạc công và 1 ca sĩ thì được gọi là ban tứ tuyệt, nếu có 4 nhạc công và 1 ca sĩ thì được gọi là ban ngũ nguyệt.
Vì đờn ca tài tử đặc biệt ở chỗ thường được biểu diễn ngẫu hứng, dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Sự khác biệt này khiến cho người nghe luôn cảm thấy mới lạ dù nghe cùng một bài..
Phần hay nhất trong tài tử là ở phần rao của người đàn và nói lối của người ca. Người đàn dùng rao – người ca dùng lối nói – để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu. Ngoài ra khi trình diễn các nghệ sĩ có thể dùng tiếng đàn của mình để “ đối đáp” hoặc “thách thức” với người đồng diễn. Đây cũng là điểm tạo sự mới lạ, hấp dẫn, cuốn hút của loại hình nghệ thuật dân tộc này.


          Các bài bản của nghệ thuật đờn ca

Đờn ca tài tử có một số lượng bài bản rất phong phú và đa dạng. Ngoài việc sử dụng một số bài bản trong nhạc lễ, còn có các bài từ ca Huế, dân ca miền Trung, miền Nam, và một số lượng lớn do các nghệ nhân bậc thầy sáng tác và cải biên.
Do đặc tính ngôn ngữ và sinh hoạt riêng của người miền Nam mà nhạc miền Trung được phát triển đặc biệt trong nhạc tài tử. Một số bài nổi tiếng được nhiều người biết đến như: bài Bình Đán của ca Huế được phát triển thành Bình Đán Văn trong nhạc tài tử, Lưu Thủy của Huế được cải biên thành Lưu Thủy Đoàn, Kim Tiền Huế thành Kim Tiền Bản…
Về bài bản của đờn ca tài tử thì có nhiều nhưng đa số các bậc thầy của đờn ca và các chuyên gia cho rằng đờn ca có 20 bài tổ được gọi là “nhị thập huyền tổ bản” thuộc hai điệu Bắc và điệu Nam. Trong 20 bản tổ có 7 bản lễ, 6 bản Bắc, 3 bản Nam và 4 bản Oán. Tương truyền rằng các bài bản này do ông bà Ba Đợi đúc kết và được xem như là những bài căn bản cho những người bắt đầu bước vào nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ năm 1945, ông Nguyễn Văn Thịnh thường được gọi là ông Giáo Thịnh – một nhạc sư có uy tín tại Sài Gòn đã đúc kết và phổ biến một hệ thống mới gọi là 72 bài bản cổ nhạc miền Nam được gọi là thất thập nhị huyền công. Theo đó một nghệ nhân sẽ được coi là bậc thầy nếu biết hết 20 bài bản tổ và để đạt được mức cao hơn nghệ nhân đó cần biết hết 72 bài bản cổ miền Nam.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được Unesco công nhận theo các tiêu chí: Đây là loại hình nghệ thuật do cộng đồng 21 tỉnh thành miền Nam Việt Nam cùng nhau tạo ra. Đờn ca tài tử là một phần bản sắc của người dân phía Nam và được trao truyền từ đời này qua đời khác, được đảm bảo tính tiếp nối liên tục.

1 nhận xét:

  1. Do you make money from online gambling? - WorkToday
    Online gambling is a technique of chance for gamblers to bet งานออนไลน์ at real money casinos, whether it be casino games or virtual sports

    Trả lờiXóa