Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Con người Nam Bộ - Diễm Hương và Minh Anh

TÍNH CÁCH NGƯỜI NAM BỘ – MỘT NÉT ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA 
   
Nam Bộ - vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, ruộng đồng xanh ngắt, vườn trái cây trĩu nặng quả ngọt nhờ uống nước sông Hậu cuồn cuộn phù sa. Con người Nam Bộ hiếu khách, đôn hậu tính tình cởi mở, nặng nghĩa nhiều tình...Tất cả đã tạo nên nét đẹp, nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nét đẹp đó đã được ông cha ta đúc kết, thể hiện đậm nét qua ca dao, dân ca, tục ngữ…với những vần điệu ngọt ngào, sâu lắng.


Cầu khỉ Nam Bộ
Hiếu khách là một trong những nét cá tính độc đáo của người miền Nam. Điều đó được thể hiện đậm nét trong sinh hoạt láng giềng của người Nam Bộ. Thông qua những buổi lễ, tiệc như: đám cưới, đám giỗ, tân gia…Họ đến với nhau vì tình cảm, vì lòng “hiếu khách” của gia chủ. Khi đã là chỗ thân tình họ dễ dàng tâm sự, giãi bày những nỗi niềm sâu kín. Từ những bàn tiệc này mà có khi nảy sinh những quan hệ tình cảm mới như: kết nghĩa thông gia, kết nghĩa tri âm tri kỷ hoặc kết nghĩa anh em... “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Nên khi có bạn bè đến chơi, khách đến nhà, dù gia cảnh có bần hàn đến đâu, họ cũng cố gắng đãi đằng bạn một cách cho tươm tất:
Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.
Cũng chính tâm lý này mà người Nam bộ thường được mọi người cho rằng: Họ có tính hào sảng, hiếu khách, trọng tình nghĩa. Nghèo thì nghèo, lo cho bạn chu đáo cái đã, tiền bạc có xá gì, nhân nghĩa mới là điều trọng.
Không chỉ hiếu khách, tấm lòng người Nam Bộ rất vị tha và đôn hậu được thể hiện qua lối sinh hoạt hàng ngày họ luôn chân tình và dễ hòa mình. Đó cũng là cội nguồn sự hội nhập giao lưu giữa cộng đồng các dân tộc. Ca dao Nam bộ đã sử dụng một lượng lớn các từ Hán Việt, làm nên những vần thanh thoát, mượt mà và vô cùng sang trọng. Chẳng hạn, gặp nhau, chàng trai hỏi cô gái:
Anh gặp em vừa mừng vừa hỏi
Phụ mẫu ở nhà có mạnh giỏi hay không?
“phụ mẫu” thay thế “cha, mẹ” nhưng vẫn không làm phai đi nét nghĩa của lời hỏi thăm, tấm lòng chân tình, sự quan tâm của chàng trai đối với đấng sinh thành của cô gái. Trái lại còn nâng cao hơn tính trang trọng của lời thăm hỏi
Ngoài tính hiếu khách, tính bộc trực “ăn ngay, nói thẳng” cũng là nét đặc trưng của người Nam Bộ. Khi cần trao đổi vấn đề gì họ cũng đi thẳng vào vấn đề, không nói “vòng vo tam quốc”, nên những từ ngữ, hình ảnh của họ dùng mang tính hình tượng rất cao để dễ diễn đạt ý muốn nói:
Bướm ong bay lượn rộn ràng,
Em nguyền giữ tấm lòng vàng với anh.
Trong ca dao Nam bộ, vàng thường xuất hiện với đá cùng với cách nói nghĩa đá vàng. Ở đây tác giả dân gian không nhằm so sánh giá trị hơn kém giữa chúng mà hướng tới đặc điểm chung của hai loại chất. Đá và vàng đều có khả năng tồn tại lâu dài, bền vững cho nên chúng biểu trưng cho nghĩa sắt son.
Ngay cả trong tình yêu – chuyện khó nói cũng được các chàng trai bày tỏ một cách chân tình, thẳng thắn:
Trắng như bông lòng anh hổng chuộng
Đen như cục than hầm biết làm ruộng anh thương
Đồng Bằng Sông Cửu Long với nền văn minh lúa nước, đời sống nông nghiệp là thế mạnh của người dân nơi đây, “con trâu”, “cái cày”, “mảnh ruộng” …là gia tài của họ. Chàng trai ở đây đã dùng nghệ thuật so sánh nét đẹp người con gái “trắng như bông” với “đen như cục than hầm” nhưng hơn ở cái cách biết “làm ruộng” anh vẫn thương… Người miền Nam trong lịch sử khẩn hoang Nam Kỳ là những người luôn luôn đương đầu với nghịch cảnh, bởi thế họ không có thì giờ để con cà con kê, nếu cần diễn đạt thì nói một cách dứt khoát, ngắn gọn, trực tiếp và rõ ràng.
Sống giữa sông ngòi chằng chịt, tự bao đời nay con người đã gắn bó với sông rạch trong các sinh hoạt thường nhật của mình. Con người Nam bộ đã sáng tạo ra vô số từ ngữ có liên quan đến sông nước. Họ đã mượn hỉnh ảnh con đò, bến sông, dòng nước…để diễn đạt tình cảm của mình:
Nước rong nước chảy tràn đồng
Tơ duyên sẵn có chỉ hồng chưa se
            Tình yêu quê hương, yêu lao động…đã giúp họ vượt những vất vả của cuộc sống cơ cực với tinh thần lạc quan. Ngày ngày lao động trên đồng ruộng, đêm đêm tát nước tưới cây, buôn bán trên sông…nhưng họ vẫn ca hát hoặc hò dối đáp, tình quê mộc mạc nhưng thấm đậm nghĩa tình:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê

Đất nước ta, mỗi vùng có một cách nói rất riêng trong quá trình giao tiếp. Mặc dù, hệ thống quốc ngữ được dùng chung cho toàn dân, nhưng đến vùng nào thì quốc ngữ lại phát sinh ra nét đặc trưng của vùng đó. Tất cả đã góp phần làm giàu, làm đẹp thêm cho sức sống mãnh liệt kho tàng ngôn ngữ Nam Bộ

Tính cách Nam bộ vẫn là tính cách Việt Nam, vẫn là những con người yêu nước, chân tình, hiếu khách, đôn hậu, vị tha. Tìm hiểu về tính cách họ giúp  chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về đặc tính của vùng đất và con người Nam bộ và cũng là để thêm yêu mảnh đất này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét