Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Dân ca Nam Bộ - Phương Khanh

                 Đôi nét về dân ca Nam Bộ


Nói đến Nam Bộ, chúng ta nghĩ ngay đến một vùng đất màu mỡ có phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp hữu tình, có tài nguyên trù phú. Ta không thể quên được con người Nam Bộ với tính khí hào hiệp, cởi mở, nặng nghĩa nhiều tình…mà hình như đất nước thiêng liêng đã dành riêng cho mảnh quê phương Nam này! Và, những lời ca, điệu hát dân gian đã phần nào thể hiện được sự giàu đẹp của đất, của người nơi đây.

     Nói đến nghệ thuật ca hát dân gian cổ truyền Nam Bộ mà chỉ đóng khung trong một số làn điệu vọng cổ hay bài bản cải lương, ca nhạc tài tử, thì quả chưa đầy đủ. Mặc dầu chúng ta không phủ nhận tính hấp dẫn, yếu tố truyền cảm gây xúc động mạnh của các thể loại ca hát đó, nhưng đứng trên góc độ nghiên cứu mà xem xét, thì sự phiến diện nói trên có thể đưa đến những nhận định không toàn diện, và hiện tượng nhầm lẫn giữa ngọn và gốc có thể xảy ra. Nội dung vấn đề trao đổi của bài viết này nhằm tìm hiểu tính chất phong phú của nền dân ca Nam Bộ.
     Chúng ta hãy làm quen với một đoạn hò tâm tình:
     ... hò ơi!... Nho nhỏ như ai, chớ còn nho nhỏ như em đây luôn chặt dạ bền lòng. Dẫu cho nước Đồng Nai có chảy cạn, đá Đồng Nai có bị mòn, thì thủy chung như nhứt, trước sau em vẫn giữ sắt son lời nguyền... ơ
(Hò miền Đông Nam Bộ)

     Hay những lời "oán trách" nhau trong điệu hò Trà Vinh:
Hò ơi... Tay cắt tay sao nỡ... ruột cắt ruột sao đành! Một lời thề biển cạn non xanh. Chim kêu dưới suối, vượn hú trên nhành, qua không bỏ bậu ơ ơ... mà sao bậu đành bỏ qua ơ ơ..
.
     Cũng như tên nhiều miền của đất nước, hò là một điệu dân ca phổ biến ở Nam Bộ nói riêng. Hò được gắn liền với sông nước, với khung cảnh êm ả, phẳng lặng. Với một âm hưởng phóng khoáng, tự do, mang ít nhiều nhân tố "tự sự", "vịnh thán", hò thường được dùng để ngợi ca hay đề cao một đạo lý tốt đẹp nào đấy như lòng chung thủy sắt son, niềm tin yêu chặt dạ bền lòng... Âm điệu của các thể loại hò ở từng địa phương thường không giống nhau về chi tiết luyến láy, về cách xử lý các "âm điệu" giữa câu, hay có đôi khi cũng khác nhau về kết cấu toàn bộ. Thí dụ như: hò Đồng Tháp thì kết ở một nốt thuộc "át âm", nhưng trong lúc đây, tuy cùng một điêu thức "xon", nhưng hò Miền Đông, hò Bạc Liêu, hò Gia Ninh, thì lại dùng nốt chủ âm để kế thoàn toàn.

     Việc xử lý kếu cấu này tùy thuộc vào phong cách, vào nội dung của từng vùng, nhằm thể hiện được tính cách riêng biệt, màu sắc độc đáo, chứ không phải là không có dụng ý. Thông thường do ý nghĩa của nội dung lời hò giữ vai trò quyết định, nên giai điệu của hò này được tiến hành theo đường nét bình ổn, "lên dần" hoặc "xuống dần", cố tránh những bước nhảy quãng đột xuất, nhằm tạo ra một phong vị êm đềm, nhẹ nhàng như kiểu "ngân nga, tự sự", nặng đi vào chiều sâu lắng hơn là ầm ĩ, huyên náo.
      Hoàn cảnh xã hội ngày càng thay đổi, nên nội dung và hình thức hò cũng được cải biên và bổ sung cho thích hợp. Ví dụ như, khi Mặt trận Bình dân bên Pháp chiếm được nhiều thắng lợi trên địa hạt chính trị, thì ở Nam Bộ, kế bên những loại hò mộc, hò huê tình, hò đối, hò thơ, hò truyện... lại xuất hiện thêm một loại hò gọi là hò quốc sự. Nội dung hò quốc sự đề cập đến những vấn đề chính trị cổ vũ và động viên tinh thần yêu nước của quần chúng. Sau đây là một đoạn của hò quốc sự.
...
     Nội dung lớn của hò phần lớn dựa trên cơ sở của lối thơ lục bát, nhưng khi xử lý thì có thể giữ nguyên, hoặc có khi lại mở rộng dài hơn để khớp với âm điệu của câu hò. Vì thế việc sáng tác ra những câu hò được đông đảo quần chúng tham gia dễ dàng và nhanh chóng thu hút được sự hâm mộ của quần chúng.
     Kế bên những điệu hò trữ tình, êm dịu, dân ca Nam Bộ còn bao gồm những bài hát lý (hay là những điệu lý). Lý là những khúc hát ngắn gọn, vui tươi, dí dỏm, mang tính chất lạc quan yêu đời rõ nét với các nhịp điệu phong phú và sinh động.
Như bài Lý ngựa ô (Nam Bộ).
Nhưng cũng có khi, lý lại được pha lẫn vào chút ít màu sắc trữ tình man mác như bài Lý lu là.
 Xét về phương diện âm hưởng nói chung toát ra từ các điệu hò và Lý Nam Bộ, chúng ta rút ra được chất tinh khiết, chân thật, tuy mộc mạc, pha lẫn chút ít âm điệu mênh mông của hò, với nhịp điệu sinh động, vui phơi phới đầy tươi mát của các điệu lý.
   Mỗi điệu lý nói trên đều có một nội dung rõ rệt, hoặc phổ biến những kinh nghiệm sản xuất (như Lý đất giồng chẳng hạn), hoặc ca ngợi những đức tính tốt trong cuộc sống (như Lý Ba Tri), cái đẹp trong thiên nhiên (Lý cây xanh) hoặc oán trách nhau (như Lý lu là) hoặc mỉa mai, châm biếm bọn lý trưởng, cường hào (như Lý con chuột, Lý bình vôi, Lý con sam). Các chủ đề nhạc trong các điệu lý rất nhiều vẻ, dưới những hình thức rất độc đáo, nhưng lại rất quen thuộc với phong vị cổ truyền của quần chúng từ lâu đời.


     Dân ca là một mảnh đất trù phú, một kho tàng âm điệu vô tận, nơi tập trung của tất cả những nhân tố thể hiện trực tiếp nhất, sinh động nhất tính cách dân tộc của một địa phương hay một dân tộc nào đó. Vì thế, tìm hiểu được kho tàng quý báu ấy đã là một chuyện không dễ, nhưng cái khó hơn hết, cái quyết định hơn hết là cần phải biết gạn đục, khơi trong, phải biết chọn lọc, lấy ra cái gì "tinh" nhất để phục vụ tốt cho cái hiện tại. Đó là vấn đề rất thiết yếu mà các nhạc sĩ nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, huấn luyện, không riêng cho một địa phương nào, đều nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhân dân trong việc xây dựng một nền văn học nghệ thuật tiên tiến có tính chất dân tộc và tính nhân dân sâu sắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét